Những lưu ý khi nhận bàn giao nhà căn hộ chung cư từ A đến Z

Việc kiểm tra kỹ lưỡng khi nhận bàn giao nhà căn hộ chung cư rất quan trọng, để tránh những bất tiện phát sinh sau khi chuyển vào ở hoặc cho khách thuê nhà.

Khi nhận bàn giao, nếu có vấn đề gì thì Chủ Đầu Tư sẽ sửa lại cho mình trước. Còn lúc chúng ta dọn vào ở, nếu có vấn đề xảy ra thì sẽ gây ra không ít rắc rối vì không biết lỗi do người ở hay lỗi sẵn trước rồi.

Đây là những lưu ý của riêng Trầm sau khi đi nhận bàn giao căn hộ của mình và góp nhặt thêm từ khách hàng và hàng xóm. Hi vọng có thể giúp ích cho Anh/Chị trong quá trình nhận bàn gian căn hộ.

Chúng ta sẽ kiểm tra 2 phần: phần sở hữu chung của chung cư và phần sở hữu riêng căn hộ.

  • Về phần sở hữu chung: dựa trên hợp đồng mua bán để kiểm tra
  • Phần sở hữu riêng: chúng ta sẽ kiểm tra từng mục như dưới đây.

NHỮNG THỨ CẦN MANG THEO KHI NHẬN BÀN GIAO NHÀ CHUNG CƯ

Hợp đồng mua bán (để coi danh mục bàn giao), 1 cái thau (hoặc 1 cái xô to), thước đo, bút thử điện, 1 cái nồi inox, và chúng ta cùng bắt đầu kiểm tra từng mục:

NHỮNG LƯU Ý KHI NHẬN BÀO GIAO CĂN HỘ CHUNG CƯ

HỆ THỐNG BÁO CHÁY:

  • Kiểm tra coi đầy đủ trong phòng khách, phòng ngủ, bếp có đèn báo cháy không?
  • Coi đèn có hoạt động không? Đèn có chớp không? Nếu chớp là hoạt động bình thường, còn nếu đèn đỏ liên tục, không chớp là có vấn đề.

CỬA:

  • Kiểm tra toàn bộ khóa cửa trong nhà (cả phòng ngủ và nhà vệ sinh), khóa mở 3 lần liên tục, xem cửa khóa có mượt không?
  • Yêu cầu bàn giao chìa khóa toàn bộ cửa trong nhà
  • Nhớ thử bấm khóa trong và dùng chìa mở thử (đã có trường hợp bé nhỏ bấm và bị khóa bên trong, ba mẹ dùng khóa vẫn không mở được, nhờ Ban quản lý giải quyết 30 phút mới xong)
  • Kiểm tra coi cánh cửa có bị xệ không?
  • Cục giữ cửa phía sau gắn khớp chưa? có bám và giữ cửa tốt không? nhiều nhà bị gắn lệch nên không giữ cửa tốt
  • Cửa sổ, cửa kính: bản lề có bị vênh không? mở ra đóng lại có mượt không? có bị kêu không? kiểm tra ốc vít bắn đủ chưa? Kính lắp có chắn chắn chưa? Có bị lỏng lẻo không? Nếu lõng lẻo thì rất dễ bị bễ khi va đập. Cửa đóng có khít không?
  • Kiểm tra cửa có bị tạt nước khi mưa to không? Đổ đầy nước vào thau, đóng cửa lại, rồi tạt nước mạnh vào cửa chính, coi thử nước có ướt vô nhà không? Điều này rất quan trọng, nhất là vào mùa mưa, nên kiểm tra kỹ.

TƯỜNG:

  • Kiểm tra coi có bị nứt không? Nếu nứt thì yêu cầu xử lý liền.
  • Dùng đèn pin soi xéo coi tường phẳng chưa? Có lồi lõm không? Sơn có đều màu không?
  • Coi kỹ chỗ các góc, tường rất hay bị gồ ghề, sứt mẻ, bị méo…

SÀN:

  • Nếu bàn giao sàn gỗ thì cần kiểm tra kỹ hơn từng miếng gỗ coi có bị bể không? Đặc biệt ngay mép
  • Kiểm tra từng ngóc ngách xem sàn có bị lộp cộp hay bị vênh không? Chú ý kiểm tra kỹ chỗ mấy góc nhà và mấy chỗ giao thoa thường rất hay bị vênh
  • Nẹp chân tường có chắc không? Dễ bị rớt không?
  • Sàn có bị trầy xước nhiều không?
  • Sàn đã đi ron giữa miếng nẹp tường và sàn toàn bộ nhà chưa? Thường rất hay thiếu đi ron phòng ngủ và cửa chính. Nếu không đi ron thì hay rớt vụn trắng xuống sàn, khi vô ở sẽ thấy rất bụi và dơ.

NƯỚC:

  • Mở hết một loạt tất cả các vòi nước trong nhà => Để kiểm tra xem lực nước chảy mạnh không, có nhiều căn hay bị yếu khi hoạt động cùng một lúc.
  • Coi các vị trí thoát nước có nhanh không? Mở nước chảy nhiều, thoải mái, đừng sợ tốn nước, vì cái này khá quan trọng. Coi nước rút nhanh không?
  • Các vị trí thoát nước: trong toilet, bồn rửa chén, ban công và lô gia (có thể dùng thau nước đầy để đổ ngoài ban công và lô gia). Nếu thoát nước chậm, yêu cầu xử lý liền.
  • Nhớ hỏi vị trí van tổng nước ở đâu? có lúc sẽ cần khóa van tổng. Nếu nhà bàn giao xong mà chưa ở hoặc chưa cho thuê liền thì nhớ khóa van tổng nha. Đã có trường hợp bị trục trặc, nước chảy khắp nhà, 2 – 3 ngày sau mới biết, hư hết toàn bộ sàn gỗ trong nhà.
  • Yêu cầu cung cấp sơ đồ điện nước để đưa cho bên nội thất khi lắp đặt => Tránh khoan trúng đường nước, làm bể hay gãy ống nước => Thấm tường và nước chảy tràn. Đã có căn khoan bắt tủ trong toilet trúng đường ống nước mà không biết, nước thấm từ từ vào tường…

MÁY LẠNH:

  • Hỏi rõ vị trí đặt máy lạnh và đặt cục nóng ở đâu?
  • Nếu CĐT đã đi sẵn đường dây thì kiểm tra coi đường thoát nước có bị cao hơn đường gas không? Vì nếu cao hơn thì nước sẽ bị tràn vào, thấm tường, chảy nước… => Yêu cầu chỉnh sửa lại.
  • Hỏi vị trí thoát nước máy lạnh ở đâu?
  • Hỏi kích thước ống đồng cỡ nào? để chọn máy lạnh phù hợp. Vì có nhà mua xong về không lắp được phải bán lại vừa mất giá và tốn thời gian.

BAN CÔNG:

  • Lắc mạnh tay vịn ban công coi chắc chắn không?
  • Kiểm tra thoát nước nhanh không: bằng cách tạt nước như Trầm đã nói phía trên.

ĐIỆN:

  • Bật tắt tất cả các công tắc 3 lần liên tục
  • Dùng bút thử điện kiểm tra tất cả các ổ cắm
  • Kiểm tra đầu chờ wifi, cáp internet có đầu đủ trong phòng khách và phòng ngủ chưa (Anh/Chị nhớ căn theo hợp đồng mua bán)
  • Hỏi cầu dao điện đã có cầu nối tiếp địa chưa? Ở đâu?
  • Chỉ chỗ bắt máy nước nóng?
  • Coi vị trí ổ cắm đủ và hợp lý chưa?
  • Các bóng đèn có bị nứt không?
  • Nếu chủ đầu tư đi sẵn hệ thống nước nóng: hỏi gián tiếp hay trực tiếp để mua máy nước nóng cho phù hợp.
  • Chốt số công tơ điện + nước => Rồi ký nhận chính xác với kỹ thuật.

BẾP:

(Nếu CĐT bàn giao bếp, hút mùi, tủ bếp trên dưới thì kiểm tra kĩ từng mục nhé)

  • Thử bếp hoạt động tốt không bằng nồi inox đem theo sẵn: rót ít nước vào nấu thử
  • Nếu CĐT có bàn giao máy hút mùi thì coi hút mạnh không: bằng cách dùng tờ khăn giấy mỏng, bật máy lên và kiểm tra có hút giấy không? Nếu hút được là mạnh và tốt.
  • Hỏi đường hút mùi dẫn ra đâu?
  • Kiểm tra chỗ khoét đá để đặt bếp có vừa vặn không? Nếu miếng khoét to quá thì không tốt vì dễ bị lún.
  • Hỏi có tách riêng nguồn điện máy hút mùi và tủ lạnh, hay lò nước riêng không? Không nên gộp chung, nên tách riêng cầu dao vì khi đi đâu vài ngày, tủ lạnh để điện mà máy hút mùi hay bếp còn chạy, nguy hiểm. Có căn đã bị cháy khu bếp vì lỗi này.
  • Bồn rửa chén có bị rò rỉ nước không? đẩy vòi qua lại coi chắc hay lỏng lẻo?  Nếu lỏng lẻo, nói siết lại
  • Tủ bếp trên dưới có chắc chắn không? mở ra đóng lại có mượt không? có bị kêu không?…
  • Coi các cánh cửa tủ bếp có bị xệ không?
  • Kiểm tra silicon xung quanh bồn rửa chén đã bắn đầy đủ chưa? Cái này rất quan trọng, phải bắn đầy đủ để nước không bị tràn xuống, lâu ngày bị hư tủ bếp… Nếu CĐT chỉnh rồi mà sau này Anh/Chị thấy vẫn chưa ổn, có thể mua silicon về nhờ thợ bắn.
  • Vòi nước rửa chén có bị rỉ nước không (dù đã tắt)
  • Hứng nước đầy bồn, rồi xả 1 lần, coi thoát nước nhanh không?

TOILET:

  • Sàn có thoát nước nhanh không?
  • Ron gạch (dưới sàn) đi có đều không? có bị bong tróc không?
  • Quạt hút mùi có hoạt động tốt không? hay là bị yếu?
  • Kiểm tra theo hợp đồng mua bán những thiết bị CĐT bàn giao trong toilet có đủ không?
  • Bồn toilet xả nước thử, coi thoát nước nhanh không?
  • Lavabo cũng kiểm tra tương tự, coi thoát nước nhanh không?
  • Các vòi xịt có bị rỉ nước không (dù đã tắt)
  • Đầu chờ máy nước nóng có bị rỉ nước không?
  • Đã bắn silicon khu vực xung quanh lavabo và mặt đá phía dưới chưa? Nếu chưa, yêu cầu bắn để nước không bị chảy và thấm. Nếu không thuộc trong công việc của CĐT thì Anh/Chị có thể cho người tự bắn silicon.
  • Phòng tắm đứng: phải không bị hở, silicon phải bắn gọn đẹp, gờ chặn nước phải cao tầm 1cm.

KHÓA TỪ VÀ INTERCOM (NẾU CÓ)

  • Hướng dẫn cách sử dụng khóa từ: cách đổi mật khẩu, cách thêm user, cách xóa user…
  • Thử intercom coi hoạt động tốt không? (gọi thử bảo vệ, tiếp tân, đón khách lên nhà chơi…)

Hy vọng những chia sẻ trên có thể giúp ích cho Qúy Anh, Chị khách hàng thêm tài liệu tham khảo. Có thể đúng cũng có thể chưa đúng, đó là góc nhìn thực tế cá nhân em Trầm. Có gì Anh, Chị góp ý để em ngày càng hoàn thiện hơn ạ.

Em xin cảm ơn và chúc Qúy Anh, Chị luôn hạnh phúc và thịnh vượng!

Trần Nguyễn Như Trầm – City Bất Động Sản

5/5 - (5 votes)

0902. 607. 586

error: Content is protected !!